Lãnh đạo Du Lịch Xanh tham dự Diễn đàn Du Lịch Nội Địa toàn quốc 2021

Du Lịch Xanh xác định thị trường nội địa là cứu cánh, phải có cách nghĩ khác, cách nhìn khác, cách làm khác, có những quan tâm đúng mức để “làm nóng” thị trường, bù đắp lại những thiếu hụt của thị trường quốc tế

Với chủ đề “Du lịch nội địa – Động lực khôi phục du lịch Việt Nam trong bối cảnh bình thường mới”, Diễn đàn được tổ chức tại Ninh Bình ngày 15.4 với mong muốn xác định rõ động lực phát triển du lịch Việt Nam trong trạng thái bình thường mới; đưa du lịch nội địa phát triển ngang hàng với du lịch quốc tế; tìm giải pháp để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp du lịch nhanh chóng hồi phục.

Diễn đàn do Hiệp hội Du lịch Việt Nam phối hợp với Sở Du lịch Ninh Bình, Hiệp hội Du lịch Ninh Bình tổ chức có sự tham dự của Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình Nguyễn Thị Thu Hà cùng đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ VHTTDL, Ban Kinh tế Trung ương, Văn phòng Chính phủ, Tổng cục Du lịch, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Ninh Bình, Hiệp hội Du lịch Việt Nam, các Hiệp hội Du lịch địa phương và 600 doanh nghiệp du lịch, trong đó có sự tham gia của Du Lịch Xanh, Viet Green Travel.

 

Đoàn các công ty du lịch tại Hà Nội & Du Lịch Xanh đến với Hội nghị

 

 

Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng phát biểu tại Diễn đàn Du lịch nội địa toàn quốc 2021

 

 

Toàn cảnh Diễn đàn Du lịch nội địa toàn quốc 2021

Thị trường nội địa sẽ tạo động lực cho ngành Du lịch thời gian tới

Đánh giá cao sáng kiến của Hiệp hội Du lịch Việt Nam trong việc thực hiện tổ chức Diễn đàn này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng: “Việc tiếp cận theo hướng tập trung vào thị trường nội địa là rất đúng. Nhiều năm qua chúng ta vẫn lấy các con số liên quan đến thị trường quốc tế làm thước đo và hiệu quả của ngành, trong cách phục vụ. Quả thực, chi tiêu của khách quốc tế cao hơn nhiều khách nội địa và có lẽ vì mải mê đón quốc tế, lấy thì trường quốc tế làm trọng, chúng ta dường như đã không quan tâm nhiều đến thị trường nội địa. Đến nay, trong lúc khó khăn này, sự hụt hẫng về thị trường quốc tế do dịch bệnh mới làm chúng ta giật mình nhìn lại và thấy rằng mình chưa đi bằng 2 chân một cách vững vàng”.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, Bộ VHTTDL đã từng khuyến cáo việc thay đổi lại động lực phát triển trong ngành Du lịch, bắt đầu từ nội địa. “Đã có thời chúng ta lãng quên, chưa quan tâm đúng mức. Tuy nhiên, đã xác định thị trường nội địa là cứu cánh, phải có cách nghĩ khác, cách nhìn khác, cách làm khác, có những quan tâm đúng mức để “làm nóng” thị trường, bù đắp lại những thiếu hụt của thị trường quốc tế và quan trọng là ưu tiên hơn cho thị trường 100 triệu dân này. Trước tiên phải nghĩ tới đồng bào mình, phục vụ tốt những người dân nước Việt để có thể phát triển đồng đều, mở ra thị trường mới, vì có thể, đây sẽ là thị trường không thua kém thị trường quốc tế. Vấn đề là sản phẩm như thế nào, đẳng cấp ở đâu và xứng đáng với đồng tiền du khách bỏ ra không?”, Bộ trưởng gợi mở vấn đề.

 

 Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thị Thu Hà và các đại biểu tham dự Diễn đàn

Diễn đàn được kỳ vọng không chỉ là nơi gặp gỡ, giao lưu giữa các doanh nghiệp du lịch mà phải cùng nhau tìm ra giải pháp, liên kết để cộng sinh sức mạnh và bắt đầu từ những việc nhỏ. Với tình hình hiện nay, lạc quan nhất là đến 2023 chúng ta mới có thể khôi phục thị trường quốc tế. Trong khi đó, 3 tháng đầu năm 2021 lượng khách du lịch giảm 50% so với năm 2020, đạt 16,5 triệu, trong đó 8,5 triệu lượt khách lưu trú và tổng thu từ du lịch mới chỉ đạt 72.000 tỉ đồng; khách giảm cả ở những trung tâm du lớn của cả nước như: Thừa Thiên Huế, Khánh Hòa, Lâm Đồng… Vì thế, cần phải tìm ra nguyên nhân của sự sụt giảm và tìm được tiếng nói chung với sự đồng thuận cao từ cơ quan quản lý nhà nước đến việc chung tay chung sức của cộng đồng doanh nghiệp, từ đó nói lên khát vọng hồi sinh của ngành trong điều kiện bình thường mới.

Bộ trưởng cho rằng các doanh nghiệp nên ưu tiên xem xét việc cơ cấu lại bộ máy kinh doanh, tính toán lại những bộ phận chủ lực kinh doanh dịch vụ lữ hành, chuyển đổi từ kinh doanh lữ hành quốc tế sang kinh doanh lữ hành nội địa. Theo kết quả khảo sát mới đây của Hội đồng tư vấn du lịch (TAB), hơn 83% người dân được hỏi cho biết sẵn sàng di du lịch ngay trong vài tháng tới, nhất là mùa du lịch hè; hơn 69% sẽ lựa chọn di du lịch bằng máy bay. Như vậy, nhu cầu của khách rất lớn nên cần điều tiết lại thị trường, nghiên cứu sâu thị trường nội địa, hoạch định kinh doanh để không đầu tư, khai thác manh mún. Tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến, xây dựng thương hiệu sản phẩm, kết nối các giá trị và lan toả các giá trị của sản phẩm để từ đó thực hiện cung cấp sản phẩm chất lượng tốt nhất tới du khách.

 

 

Diễn đàn thu hút sự tham gia của hơn 600 doanh nghiệp du lịch lớn trên cả nước

Khẳng định du lịch không thể tách rời văn hoá, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đề nghị doanh nghiệp du lịch tập trung đầu tư xây dựng, từng bước hình thành văn hoá tại điểm đến, văn hóa ứng xử, văn hóa doanh nhân trong những người làm du lịch. Khi và chỉ khi hình thành được điều này thì du khách mới yêu quý các điểm đến, các vùng đất và các sản phẩm du lịch. “Để nhanh chóng hồi phục, góp phần thực hiện khát vọng chung của đất nước mà Nghị quyết Đại hội lần thứ 13 đề ra là xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, vững mạnh thì các ngành, trong đó có ngành Du lịch phải đóng góp vào công cuộc này”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.

Doanh nghiệp du lịch cần thay đổi cách nghĩ, cách làm

Bà Cao Thị Ngọc Lan, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Du lịch Việt Nam thay mặt doanh nghiệp du lịch cả nước cảm ơn sự quan tâm của Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng vì ngay từ khi còn là Thứ trưởng theo dõi lĩnh vực Du lịch ông đã luôn sát sao, có những chỉ đạo kịp thời và chia sẻ với những khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp du lịch cả nước. Đến nay, ngay sau khi nhận nhiệm vụ là Tư lệnh ngành VHTTDL ông đã tới động viên những người làm du lịch tiếp tục "giữ lửa" đam mê với ngành, vững bước đi tiếp con đường đã chọn và cùng nỗ lực để đưa du lịch nhanh chóng hồi phục, sớm trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đáp ứng sự kỳ vọng của xã hội.

Ông Vũ Thế Bình, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết: “Hơn 1 năm qua, đại dịch Covid-19 đã tàn phá thế giới khiến nền kinh tế toàn cầu bị suy thoái nghiêm trọng nhất từ trước đến nay trong đó ngành Du lịch thế giới đã tụt lùi hàng chục năm. Ở Việt Nam, Du lịch và Hàng không là hai ngành bị thiệt hại nặng nề nhất. Du lịch, một Ngành đang tăng trưởng liên tục 4 năm ở mức 2 con số, đóng góp trực tiếp gần 10% GDP, đóng góp lan tỏa trên 18% GDP đã bị suy thoái nghiêm trọng. Hàng chục nghìn doanh nghiệp bị phá sản hoặc ngừng kinh doanh, hàng triệu lao động phải nghỉ việc toàn bộ hoặc từng phần. Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, có liên quan đến nhiều ngành kinh tế khác, bởi vậy, duy trì và khôi phục các hoạt động du lịch không chỉ là nhiệm vụ cấp bách của ngành Du lịch mà còn của cả nền kinh tế”.

 

 Lãnh đạo UBND tỉnh Ninh Bình và Hãng hàng không quốc gia Việt Nam ký cam kết hợp tác phát triển du lịch

Mặc dù được coi là cứu cánh của Du lịch Việt Nam hiện nay, là hướng tích cực để duy trì hoạt động của Ngành nhưng du lịch nội địa chưa được xem là nhánh chủ lực và chưa thực sự được quan tâm. Nhu cầu, sở thích, xu thế của khách du lịch nội địa, sản phẩm ưa thích của người Việt, dịch vụ phục vụ nhu cầu người Việt,... đều chưa được định hình một cách rõ ràng. Đó là những hạn chế khi phát triển du lịch nội địa.

Đánh giá phát triển du lịch nội địa là nhiệm vụ quan trọng của Du lịch Việt Nam thời gian tới, ông Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch cho biết: Trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cũng đã xác định các nhiệm vụ, giải pháp đột phá để phát triển thị trường du lịch nội địa. Trong đó yêu cầu quan tâm nhiều hơn đến nhu cầu tham quan du lịch của người dân trong nước; thường xuyên nghiên cứu, nắm bắt xu hướng, thị hiếu để đáp ứng nhu cầu của thị trường nội địa”

Các đại biểu cũng đã phân tích rõ vai trò ý nghĩa tầm quan trọng của du lịch nội địa trong bối cảnh “bình thường mới” trước mắt và lâu dài, các chính sách vĩ mô về phát triển du lịch nội địa.



Các đại biểu thảo luận giải pháp chung nhằm phát triển thị trường nội địa thời gian tới

“Để có thể xây dựng những sản phẩm phù hợp với các thị trường, cần đánh giá trên nhiều yếu tố, trong đó quan trọng nhất là yếu tố liên quan tới đời sống của người dân: thu nhập, việc làm, thời gian nghỉ, trình độ học vấn, tính linh hoạt, sở hữu ô tô cá nhân. Xu hướng du lịch khách lẻ thiên về du lịch tiết kiệm, mùa thấp điểm, du lịch ngắn ngày, du lịch cuối tuần, du lịch gần nhà, tự di chuyển theo nhóm nhỏ. Khách du lịch đã thay đổi thì doanh nghiệp du lịch không thể không thay đổi cách nghĩ, cách làm. Chỉ có cách phải hành động thôi”, ông Phùng Quang Thắng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam nói.

Đóng góp vào các giải pháp chung, bà Nguyễn Lê Hương, Phó tổng giám đốc Vietravel Holdings đề nghị Bộ VHTTDL và các cơ quan liên quan tạo điều kiện khuyến khích doanh nghiệp xây dựng sản phẩm mới. Trước mắt, cần phục vụ tốt 100 triệu dân trong nước, đẩy mạnh chiến dịch “Người Việt Nam ưu tiên du lịch Việt Nam, mỗi chuyến đi thêm yêu Tổ quốc”. Đề xuất quảng bá chung cho vùng, tạo hiệu ứng kích cầu nội địa cho cả vùng. Phát triển sâu du lịch nông nghiệp, nông thôn, gần gũi với nông thôn, hạn chế tối đa bê tông hóa, tìm sự khác biệt trong văn hóa để xây dựng sản phẩm đặc trưng. Hoàn thiện hệ thống luật pháp, hỗ trợ doanh nghiệp du lịch, tạo điều kiện cho doanh nghiệp vay vốn ưu đãi; gia tăng trải nghiệm du lịch theo hướng kinh tế ban đêm. Bên cạnh đó, cần ban hành nhanh và kịp thời những chính sách hỗ trợ để doanh nghiệp nhanh hồi phục. Tập trung đầu tư vùng miền núi, vùng nông thôn; xây dựng cộng đồng văn minh; tăng cường đào tạo du lịch. Cơ quan quản lý nhà nước về du lịch cần tập trung hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia theo hướng phát triển du lịch nội địa, nâng cao năng lực, quyền hạn của ngành Du lịch ở các địa phương, thành lập Sở Du lịch ở các địa phương là trung tâm du lịch lớn.

 

Doanh nghiệp du lịch giao lưu, trao đổi hợp tác trước khi diễn ra Diễn đàn

Bà Hương cũng cho rằng cần có phương án xã hội hóa vắc- xin để nhanh chóng hoàn thiện việc tiêm phòng Covid-19, kích cầu du lịch bằng tặng các voucher cho người du lịch; khoanh nợ, giảm lãi suất cho doanh nghiệp du lịch; tái cơ cấu sản phẩm, thị trường, doanh nghiệp; hỗ trợ bằng chính sách thuế; kéo dài kỳ nghỉ lễ; chuyển đổi số để phát triển du lịch…

Cũng tại diễn đàn, các đại biểu đưa ra nhiều giải pháp thiết thực về xây dựng và đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, triển khai xúc tiến du lịch nội địa, đào tạo nguồn nhân lực trên cơ sở đáp ứng nhu cầu, sở thích của khách du lịch Việt Nam và chuyển đổi số cho các doanh nghiệp du lịch.

 

1

10 NĂM KINH NGHIỆM BAY

Tốc độ truy cập nhanh chóng, tìm tour dễ dàng
Ứng dụng công nghệ kinh doanh du lịch mới nhất

4

TỔ CHỨC SỰ KIỆN UY TÍN

Tour du lịch chọn lọc, dịch vụ chất lượng, cao cấp
Đáp ứng mọi nhu cầu thị hiếu của khách hàng

2

DỊCH VỤ BAY AN TOÀN

Cổng thanh toán trực tuyến an toàn, bảo mật cao
Hợp đồng tổ chức du lịch với đủ chứng từ hoá đơn

5

NHÂN SỰ NHIỆT TÌNH TẬN TÂM

Đội ngũ nhân viên điều hành, kinh doanh hiếu khách
Tận tâm phục vụ Quý vị như chính Người thân của mình

3

GIÁ CẢ CẠNH TRẠNH NHẤT

Báo giá dịch vụ nhanh chóng, cạnh tranh, tiết kiệm
Luôn có chính sách giảm giá, ưu đãi cho đoàn lớn

6

MUA BÁN HÀNG CHẤT LƯỢNG

Sẳn sàng chào đón khách hàng mọi lúc mọi nơi
Hotline 0847533333 luôn lắng nghe mọi góp ý, yêu cầu